Đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính đang đe dọa sức khỏe nhân loại khi số người mắc bệnh không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có 415 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, có khoảng 5 triệu người mắc phải căn bệnh này, điều đáng lo ngại là hơn 65% người bệnh đái tháo đường không biết mình đang mắc bệnh nên không có chế độ dinh dưỡng kiểm soát đường huyết kịp thời.
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường:
Đái tháo đường tuýp 1: Thường gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi, trong đó có cả trẻ em, chiếm khoảng 5-10% số bệnh nhân đái tháo đường.
Đái tháo đường tuýp 2: Thường gặp ở người trên 30 tuổi, chiếm khoảng 90-95% số bệnh nhân đái tháo đường. Những người có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 là:
- Người thừa cân – béo phì, đặc biệt là người có vòng bụng lớn
- Người bị tăng huyết áp
- Nhóm người làm những công việc có đặc thù phải ngồi nhiều, ít vận động
- Nhóm người đang mắc các bệnh: gout, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành…
- Người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị đái tháo đường
- Có tiền căn rối loạn dung nạp đường, rối loạn đường huyết lúc đói
- Người trên 45 tuổi
- Phụ nữ có tiền sử sinh con nặng trên 4kg
ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115, Bác sĩ dinh dưỡng Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome, cho biết: “Bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2, thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng cho đến khi chuyển biến nặng. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như: huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận, giảm thị lực hoặc mù lòa, suy yếu hệ miễn dịch dễ mắc bệnh nhiễm trùng…”
Ngoài các biến chứng kể trên, đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương tới rất nhiều các cơ quan khác như: xương, khớp, não bộ, suy giảm trí nhớ hay các bệnh về da…
Theo ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, mặc dù đái tháo đường chưa thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động đúng cách bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Theo thống kê, Việt Nam đang có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Nguy hiểm hơn, với chế độ dinh dưỡng không cân đối, lối sống không lành mạnh như hiện nay, các yếu tố về môi trường khiến số người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người trong độ tuổi 25 – 30 mắc bệnh mà không hay biết.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường tuýp 2
Hầu hết các triệu chứng ban đầu của bệnh đái tháo đường type 2 là mức glucose – một loại đường trong máu cao hơn bình thường. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường có thể nhẹ đến mức người bệnh không nhận thấy. Vì thế, nhiều người không biết mình mắc bệnh cho đến khi có những biến chứng nặng. Vì thế, hãy để ý cơ thể mình, nếu nhận thấy các triệu chứng sau, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, vì đó có thể là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh đái tháo đường.
– Đi tiểu thường xuyên hoặc nhiều lần: Đây có thể là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu cao và đã xâm nhập cả vào đường tiết niệu.
– Khô miệng, khát nước: Việc đi tiểu nhiều khiến cơ thể tăng nhu cầu sử dụng nước để bù lại lượng nước đã mất. Vì thế, người bệnh luôn cảm thấy khát nước và uống nước nhiều hơn.
– Nhanh đói và thèm ăn nhiều hơn: Một trong những chức năng của hormone điều tiết đường huyết là kích thích cảm giác đói. Do đó, nồng độ hormone điều tiết cao trong cơ thể sẽ dẫn đến tăng cảm giác đói và thèm ăn.
– Giảm cân hoặc tăng cân bất thường: Tăng hoặc giảm cân bất thường nhưng không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh tiểu đường tuýp 2.
– Đau hoặc tê bàn tay, chân: Người bệnh sẽ có cảm giác kiến bò hoặc tê ở tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân. Đây là một dấu hiệu thần kinh của bệnh đái tháo đường, nhẹ có thể tê bì thoáng qua, nhưng khi đã sưng, đau là dấu hiệu tổn thương thần kinh nặng.
– Vết thương lâu lành: Nguyên nhân là do đường máu tăng cao khiến lượng máu lưu thông kém. Bên cạnh tác động đến hệ tuần hoàn, bệnh đái tháo đường còn ảnh hưởng cả đến hệ miễn dịch, cũng khiến các vết nhiễm trùng hoặc vết thương khó lành hơn.
– Mắt mờ: Đây là dấu hiệu thường xảy ra sớm nếu người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 không được phát hiện và điều trị.
– Mảng da tối màu: Đây là dấu hiệu của kháng các hormone điều chỉnh đường huyết, những mảng da tối màu, đặc biệt là ở các nếp gấp của da như ở vùng nách, cổ, bẹn sẽ xuất hiện trên cơ thể.
Vai trò của dinh dưỡng trong hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Để kiểm soát tốt đường huyết cần có sự phối hợp của “kiềng ba chân” gồm dinh dưỡng, vận động song song với thuốc điều trị.
Theo ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường cần đảm bảo các nguyên tắc:
– Đủ chất đạm, bột đường, béo, vitamin và khoáng chất với khối lượng hợp lý
– Không làm tăng đường máu sau bữa ăn và hạ đường máu lúc xa bữa ăn
– Hạn chế được các rối loạn chuyển hóa
– Duy trì được cân nặng ở mức hợp lý
– Duy trì được hoạt động thể lực hàng ngày
Bên cạnh đó, ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân cũng lưu ý người bệnh phải kiểm soát đường huyết song song với việc kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch; đặc biệt là nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ ăn uống khoa học cũng như kiểm tra đường máu định kỳ, từ đó có thể kiểm soát đường huyết tốt và phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Tại Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome, quy trình khám, tư vấn và điều trị dinh dưỡng được xây dựng khoa học từ việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn cá thể hóa, hướng dẫn chế biến món ăn đúng cách và hướng dẫn vận động hợp lý góp phần nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.