Có thể bạn đã nghe nói ăn nhiều đường gây ung thư hoặc làm cho bệnh ung thư tiến triển nhanh hơn. Điều này liệu có đúng?
Mỗi tế bào trong cơ thể sử dụng đường trong máu (glucose) để tạo năng lượng. Nhưng các tế bào ung thư sử dụng nhiều gấp khoảng 200 lần so với các tế bào bình thường. Các khối u bắt đầu trong các tế bào mỏng, tế bào vảy trong phổi của bạn “nuốt chửng” nhiều glucose hơn. Các khối u cần một lượng đường lớn để tăng trưởng.
Lượng đường mà tế bào của bạn cần đến từ chế độ ăn uống hàng ngày. Đường không chỉ có trong món tráng miệng hay các loại bánh, chocolate, mà còn có trong trái cây (fructose), rau (glucose), các sản phẩm từ sữa (lactose), carbohydrate như bánh mì, mì ống và gạo.
Dù ăn nhiều đường có gây ung thư hay không, bạn vẫn nên hạn chế đường
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không ăn những thực phẩm này? Cắt giảm đường sẽ giúp ngăn chặn ung thư hoặc ngăn ung thư phát triển?
Có phải béo phì gây ung thư?
Nhiều cơ quan trong đó có Hiệp hội Ung thư Mỹ và Viện Quốc gia Mỹ không cho rằng đường gây ung thư. Các nhà khoa học cho rằng, đường dẫn đến béo phì. Các tế bào mỡ giải phóng các protein gây viêm được gọi là adipokine. Chúng có thể làm hỏng ADN, cuối cùng gây ra khối u. Do vậy, càng có nhiều tế bào mỡ, nguy cơ ung thư càng gia tăng.
Thừa cân hoặc béo phì có thể khiến bạn có nguy cơ mắc ít nhất 13 loại ung thư, trong đó có ung thư vú, gan và ung thư đại tràng.
Có phải đường gây ung thư?
Các chuyên gia khác lại cho rằng, chính đường có thể dẫn đến ung thư. Tiến sỹ Lewis Cantley – Giám đốc Trung tâm Ung thư Meyer tại Weill Cornell Medicine (ở New York, Mỹ) cho biết một số bệnh ung thư có thể bắt đầu với hàm lượng insulin cao. Insulin là hormone kiểm soát lượng đường trong máu.
Tiến sỹ Cantley cho rằng nghiên cứu cho thấy mức độ insulin cao có khả năng gây ung thư. Đường sẽ khiến hàm lượng insulin tăng cao. Tiến sỹ Lewis Cantley không ăn bất cứ loại đường nào vì ông tin rằng đường và ung thư có mối liên hệ với nhau.
Vậy chúng ta có nên cắt giảm đường?
Ngay cả khi bạn cho rằng đường không gây ung thư, bạn vẫn nên hạn chế đường. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ chỉ nên ăn 6 thìa cà phê đường mỗi ngày, nam giới chỉ nên ăn khoảng 9 thìa cà phê. Tuy nhiên, hầu hết mọi người lại tiêu thụ nhiều hơn số này. Tiêu thụ nhiều đường sẽ làm tăng nồng độ insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Tiến sỹ Peiying Yang là chuyên gia nghiên cứu về ung thư, làm việc tại Trung tâm Ung thư M.D. Anderson ở Houston (Mỹ) cho biết: Nên hạn chế cho thêm đường và cả siro ngô có hàm lượng đường fructose trong nước ngọt, trà, đồ uống thể thao, bánh kẹo, kem, ngũ cốc ăn sáng có vị ngọt…
Nhiều loại trái cây cũng chứa đường fructose, vậy có cần phải hạn chế trái cây? Theo tiến sỹ Yang, bạn vẫn nên ăn trái cây, nhưng nên ăn trái cây ít hơn rau củ.
Theo dõi lượng đường mà mình tiêu thụ là điều không dễ dàng. Bởi đường có trong nhiều loại thực phẩm hay món ăn mà bạn không ngờ tới, như: Súp, salad, bơ lạc, sữa chua, sốt cà chua, bột yến mạch ăn liền, sữa hạt và xúc xích. Những loại thực phẩm hay món ăn này cũng có thể không ghi đường (sucrose) trên nhãn.
Có rất nhiều tên thay thế cho đường, như maltose, dextrose và glucose… Những chất tạo ngọt thay thế đường như mật ong, mật hoa hay siro phong (maple syrups) có vẻ lành mạnh hơn đường, tuy nhiên với các tế bào trong cơ thể, chúng cũng có tác động giống như đường.