Bệnh tiểu đường là nhóm bệnh chuyển hóa gây ảnh hưởng đến khả năng sản sinh hoặc sử dụng insulin của cơ thể, hormone giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng. Tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, thận hoặc đột quỵ đối với người bệnh. Vậy bệnh tiểu đường ảnh hưởng thế nào tới cơ thể bạn?
1. Ảnh hưởng của tiểu đường tới cơ thể
Nếu không được kiểm soát tốt thì tiểu đường có thể gây tổn thương đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tim – mạch máu, mắt, thận, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa dạ dày – ruột và nướu răng.
Tuy nhiên trước tiên để hiểu rõ về cơ chế hoạt động của bệnh thì cần tìm hiểu hoạt động của insulin trong hệ nội tiết của cơ thể như sau:
- Tuyến tụy giúp sản xuất và phóng thích insulin để tạo ra năng lượng từ đường. Nếu tuyến tụy sản xuất ít hoặc thậm chí không sản xuất insulin thì cơ thể sẽ bị thiếu hụt insulin, lúc này cơ thể sẽ sử dụng hormon thay thế để chuyển hóa chất béo thành năng lượng nhưng đi kèm với đó sẽ tạo ra một lượng lớn các chất độc hại.
- Lượng axit và xeton tích tụ do quá trình trên sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm ceton do bệnh tiểu đường là biến chứng nghiêm trọng biểu hiện bằng: khát nước nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi và hơi thở có thể có mùi thơm do nồng độ ceton trong máu cao. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể dẫn tới mất ý thức hay thậm chí là tử vong.
Ảnh hưởng của tiểu đường đến hệ tim và mạch máu
- Người bị bệnh tiểu đường rất dễ có bệnh đi kèm về tim và liên quan đến mạch máu với nguy cơ cao gấp đôi so với người bình thường;
- Khái niệm “Bàn chân đái tháo đường” thể hiện tình trạng tổn thương mạch máu và thần kinh khiến nguy cơ cắt cụt bàn chân và ngón chân tăng lên gấp 10 lần người bình thường;
- Triệu chứng của các ảnh hưởng này thường không có dấu hiệu báo động cho đến khi bệnh nhân đau tim, đột quỵ hoặc da bàn chân đổi màu, hay chuột rút và giảm cảm giác;
Việc kiểm soát tiểu đường có thể giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ mắc các biến chứng này.
Ảnh hưởng của tiểu đường đến mắt
- Tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng mất thị giác ở người trưởng thành. Một số triệu chứng thường gặp có thể là: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc do các mạch máu nhỏ xuất hiện trong mắt;
- Thị lực ở bệnh nhân thường suy giảm hoặc mất đột ngột;
Chính vì vậy bệnh nhân tiểu đường cần được kiểm tra mắt thường xuyên và điều trị kịp thời để có thể ngăn ngừa tới 90% suy giảm thị lực do tiểu đường gây ra.
Ảnh hưởng của tiểu đường đến thận
- Tiểu đường cũng là nguy cơ hàng đầu gây suy thận ở người trưởng thành, chiếm tới một nửa số trường hợp mắc bệnh;
- Triệu chứng bệnh ở giai đoạn khởi đầu thường là không rõ ràng hoặc khó nhận biết, giai đoạn sau khi thận đã suy thì có thể có phù ở chân và bàn chân;
Các thuốc hạ huyết áp nếu được chỉ định và kiểm soát bởi bác sĩ chuyên khoa có thể giúp giảm nguy cơ suy thận tới 33% ở người tiểu đường.
Ảnh hưởng của tiểu đường đến hệ thần kinh
- Lượng đường trong máu tăng cao ở bệnh nhân tiểu đường có thể gây hại đến hệ thần kinh;
- Đau thần kinh ngoại vi do tiểu đường có thể gây đau, nóng rát hoặc mất cảm giác ở bàn chân, thường xuất phát từ các ngón chân, có thể ảnh hưởng đến tay và các bộ phận khác;
- Đau thần kinh tự chủ xuất phát từ tổn thương thần kinh có chức năng kiểm soát nội tạng của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến các triệu chứng về tình dục, liệt dạ dày hoặc không cảm nhận được bàng quang, chóng mặt, ngất xỉu.
Ảnh hưởng của tiểu đường đến răng
- Người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh về răng lợi cao hơn so với người bình thường;
- Nướu răng dễ chảy máu, sưng và đỏ tấy do các tác động thường ngày;
Người bệnh tiểu đường cần có thói quen chăm sóc răng miệng thường tốt và đi nha sĩ thường xuyên để kiểm soát tình trạng này