Bệnh nhân tiểu đường nên ưu tiên dùng các loại nước chấm pha giấm hoặc gỏi có giấm sẽ giúp điều hòa hàm lượng đường huyết.
Người có bệnh tiểu đường cần lựa chọn cẩn thận món ăn trong các bữa tiệc. Ảnh minh họa: Tổ Ấm Việt. |
Với bệnh nhân tiểu đường, để vừa tận hưởng trọn vẹn niềm vui quây quần bên bàn tiệc ngày xuân mà vẫn đảm bảo chỉ số đường huyết ở mức an toàn là điều không dễ dàng. Nếu ăn uống không cẩn thận có thể dẫn đến tăng đường huyết, gây mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu và các triệu chứng khó chịu. Về lâu dài sẽ gây tổn thương lên mạch máu và thần kinh, suy thận, đột quỵ, thoái hóa võng mạc.
Nhiều người đặt câu hỏi bệnh nhân tiểu đường có thể dự tiệc được không? Câu trả lời là hoàn toàn được nếu có một kế hoạch ăn uống phù hợp.
Chuẩn bị trước bữa tiệc
– Nên vận động nhẹ trước khi dự tiệc. Hoạt động thể dục làm giảm lượng đường trong máu, khiến cho cơ thể tăng đốt cháy calori trong một khoảng thời gian ngắn sau đó. Mặt khác, vận động trước ăn phần nào giúp kiềm chế cảm giác thèm ăn do lưu lượng máu chuyển sự tập trung sang các phần cơ thể khác khiến cho ống tiêu hóa giảm nhu động.
– Ăn nhẹ trước khi dự tiệc. Một bữa ăn nhẹ trước khi dự tiệc khoảng 1-2 giờ sẽ giúp tránh cảm giác quá đói khi ngồi vào bàn tiệc. Nhờ đó, bệnh nhân kiểm soát tốt hơn khẩu phần ăn của mình.
– Trong các bữa tiệc tại nhà ở phương Tây, khách tham dự có thể mang đến một phần thức ăn để góp vào bữa tiệc chung, văn hóa này cũng đang du nhập vào Việt Nam. Với những bữa tiệc như vậy, người bệnh có thể chủ động góp vào bữa tiệc một phần ăn “phù hợp”. Một phần thực phẩm ít năng lượng, ít đường như rau trộn ít béo là lựa chọn tốt trong tình huống này.
Chọn lựa thức ăn một cách khôn ngoan
Chế độ ăn của người bệnh tiểu đường về cơ bản là ít béo, muối, đường, bột và nhiều chất xơ. Rất khó để chọn cho mình một món ăn đảm bảo đầy đủ những yếu tố trên trong một bàn tiệc. Tuy vậy, người bệnh có thể đôi lúc cho phép mình dung nạp lẫn một ít thức ăn “không phù hợp” vào phần ăn kiêng của mình.
Có thể thực hiện điều này bằng cách bỏ bớt một số thực phẩm trong phần ăn đó và thêm vào ít thức ăn mình muốn. Ví dụ, để giúp hạn chế lượng carbohydrate, chỉ cần loại bỏ 1-2 mục carbohydrate trong phần ăn và thay thế bằng thực phẩm khác. Như vậy, tổng năng lượng nhập không bị quá tải và lượng đường nhập vào phần nào được kiểm soát. Thông thường, trong các bữa tiệc sang trọng, phần ăn mỗi người đươc bày riêng, do đó bạn có thể chọn ăn một phần món thay vì ăn hết.
Bằng cách này, người bệnh không cảm thấy quá lạc lõng giữa bữa tiệc vui. Họ hoàn toàn có thể tận hưởng những món ăn ưa thích. Điều quan trọng cần lưu ý là ý tưởng này chỉ có thể áp dụng trong những dịp đặc biệt, chứ không thể áp dụng liên tục hằng ngày.
Những lưu ý khi chọn thực phẩm trong bữa tiệc
– Mọi thực phẩm có chất đường bột (cacbohydrate) đều có thể ảnh hưởng lên đường huyết, chứ không phải chỉ có chất ngọt. Bên cạnh những thứ nếm thấy vị ngọt như bánh kẹo, nhiều thực phẩm khác cũng có thể phân giải ra đường, có thể kể đến là gạo, nếp, bún, bánh phở, bánh ướt, trái cây, sữa.
Hàm lượng đường có sự khác biệt tùy vào loại thực phẩm. Ví dụ, 25g đường tương đương với một chén cơm hay ngô. Lưu ý, đường trong đường hay đường phân giải từ thực phẩm đều có tác dụng như nhau lên đường huyết. Do vậy, nếu ăn một bát cơm thì phải bớt một bát bún hay 2 khoanh bánh mì, ăn một trái chuối phải bỏ một bát cơm (vì một trái chuối chứa khoảng 30g đường).
Như vậy, nếu ước chừng và phân phối hợp lý, người bệnh có thể ăn tất cả các món, kể cả đường hay trái cây ngọt, miễn đảm bảo lượng đường và tổng năng lượng nhập ở mức an toàn.
Lượng đường trong một số thực phẩm thường gặp:
Các thực phẩm ngũ cốc
25g đường tương đương với:
– Một chén cơm hay bắp hoặc đậu (150 g).
– Một củ khoai tây thường (độ 120 g) hoặc 80 g khoai tây chiên.
– 2 khoanh bánh mì (50 g).
– Một bánh sừng bò.
– 4 bánh bích quy.
Các loại trái cây
15 g đường tương đương với:
– Một quả lê hoặc đào.
– Một quả cam/ hai quả quýt/ 1/4 quả dứa/ một quả bưởi.
– 20 quả dâu.
– Nửa trái chuối hoặc 15 quả nho.
Sữa
10 g đường tương đương với:
– Một ly sữa lớn (200 ml) hay 2 muỗng canh sữa bột.
– Một ly sữa chua hoặc sữa tươi.
– Nhu cầu năng lượng và phân bố các chất mỗi ngày tùy thuộc vào thể trạng, tình trạng bệnh, sinh hoạt. Do vậy, cần có đánh giá chuyên môn của bác sĩ điều trị cho từng trường hợp cụ thể.
– Các loại thực phẩm ghi nhãn “dành cho bệnh nhân tiểu đường” vẫn chứa lượng cacbohydrate nhất định. Do vậy, vẫn cần cân nhắc khi sử dụng.
– Khi ăn các chất ngọt như bánh ngọt, bánh kem nên gạt bỏ lớp đường hay kem, chỉ ăn phần bánh không, có thể thêm chút bơ hay đậu phộng để tạo hương vị. Lưu ý, bánh vẫn chứa cacbohydrate nên không ăn quá nhiều.
– Thức uống: Chọn nước lọc hay trà, cà phê không đường, nước uống có gas dành cho người giảm cân. Các thức uống khác như nước ngọt, trà đóng gói, nước ép trái cây, rượu đều có lượng đường nhất định, do vậy, cần được tính vào tổng lượng đường nạp.
– Thức uống có cồn không uống quá 2 đơn vị mỗi ngày. Một đơn vị khoảng một cốc (150 ml) rượu nhẹ như vang, rượu trái cây hay một cốc nhỏ (50 ml) rượu mạnh hoặc một ly bia (350 ml, nên chọn loại bia nhẹ). Các rượu mạnh không chứa cacbohydrate nên có thể ưu tiên lựa chọn. Tránh uống các thức uống pha như cocktail chẳng hạn.
– Thói quen dùng các loại nước chấm pha giấm hoặc gỏi có giấm sẽ giúp điều hòa lượng đường huyết. Uống một muỗng canh giấm pha loãng sau mỗi bữa ăn được chứng minh có tác dụng giúp hạ đường huyết và điều chỉnh một số bệnh lý về chuyển hóa. Hiện tượng này được giải thích là do khả năng tăng nhạy cảm với insulin của giấm ăn tại các tế bào trong cơ thể bệnh nhân tiểu đường. Lưu ý người mắc bệnh viêm loét dạ dày, ruột nên ăn các món có giấm sau khi đã ăn lót dạ bằng món khác.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ