Béo phì và 8 điều bạn nên biết

1. Sự khác biệt giữa thừa cân (overweight) và béo phì (obese) là gì?

Thừa cân hoặc béo phì đều mang ý nghĩa có nhiều mỡ hơn lượng cho phép trong cơ thể. Cả hai đều được sử dụng để xác định những người có nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe do cơ thể có quá lượng mỡ. Tuy nhiên, “béo phì” chỉ mức độ dư mỡ nhiều hơn, được phân loại cao hơn so với “thừa cân”.

Mọi người đều cần một số chất béo để cung cấp năng lượng, cách nhiệt và thực hiện chức năng khác của cơ thể. Nhưng quá nhiều chất béo có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Càng nhiều mỡ, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh tim… càng cao.

2. Làm thế nào để biết thừa cân hoặc béo phì?

Không đơn giản chỉ là nhìn vào ngoại hình của một người thấy mập mạp là dư cân hoặc béo phì. Y học cần có sự cụ thể, càng cụ thể càng tốt. Có nhiều công cụ đo lường lượng mỡ trong cơ thể. Một trong số đó được sử dụng phổ biến nhất là BMI. BMI là tên viết tắt của Body Mass Index – chỉ số khối cơ thể. Đây là một cách nhanh chóng và đơn giản để giúp xác định những người thừa cân hoặc béo phì. Nó cho phép bạn so sánh cân nặng của bạn với những gì được coi là “bình thường” khi có cùng chiều cao.

3. BMI được tính như thế nào?

BMI được tính từ chiều cao và cân nặng của bạn. Dưới đây là công thức tính:

Ví dụ: bạn nặng 52 kg, cao 1m60 thì BMI của bạn là 20,3 kg/m2.

Đối với người lớn: Bạn có thể áp dụng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dành cho người châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, cần lưu ý BMI ước tính mỡ cơ thể. Nó không trực tiếp đo lượng mỡ trong cơ thể. Do đó, một số người có cơ bắp, như vận động viên, có BMI cao ở mức thừa cân nhưng không có mỡ thừa.

Đối với trẻ em và thiếu niên: BMI được sử dụng khác với người lớn. Điều này là do trẻ em vẫn đang phát triển. Và giữa bé trai và bé gái tỉ lệ phát triển cũng khác nhau. Do đó, với hai đối tượng này, BMI được so với biểu đồ tăng trưởng theo tuổi và giới tính. Lưu ý nhỏ là BMI chỉ được chấp nhận để đo dinh dưỡng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Trẻ dưới 2 tuổi sẽ có công cụ theo dõi khác.

Theo phân loại BMI của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC):

  • Bình thường: tỉ lệ phần trăm thứ 5 – 85.
  • Thừa cân: tỉ lệ phần trăm thứ 85 – 95.
  • Béo phì: trên tỉ lệ phần trăm thứ 95

Biểu đồ 1: Biểu đồ tăng trưởng BMI ở trẻ nam.

Biểu đồ 2: Biểu đồ tăng trưởng BMI ở trẻ gái.

4. Mỡ phân bố ở đâu có quan trọng?

Câu trả lời là có. Mỡ phân bố trong nội tạng thì xấu hơn mỡ ở dưới da. Cách nhận biết mỡ nội tạng dễ thấy nhất là bạn có dáng người “trái táo”. Khi đó mỡ tập trung nhiều ở vùng bụng. Nếu mỡ tích tụ nhiều ở vùng hông, thường là mỡ dưới da, bạn sẽ có dáng “quả lê”. Có nhiều nghiên cứu cho thấy người có dáng quả táo có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính hơn dáng “quả lê”.

5. Tác hại của thừa cân, béo phì

Thừa cân hoặc béo phì có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:

Ngoài vấn đề sức khỏe, tự ti về vóc dáng hơi đầy đặn của mình cũng khiến nhiều chị em phụ nữ phải bận tâm. Vì thế mà bỏ qua những cơ hội được sống vui, thăng tiến.

6. Điều gì gây ra thừa cân và béo phì?

Mọi nguyên nhân sâu xa gây ra béo phì đều do sự mất cân bằng giữa năng lượng nhập vào và tiêu hao. Có thể kể đến nhiều lí do sau đây:

6.1 Chế độ ăn không hợp lý

Chế độ ăn không hợp lý gây thừa cân béo phì
Chế độ ăn không hợp lý gây thừa cân béo phì
  • Ăn một lượng lớn thực phẩm chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh. Món ăn ngon, nhìn hấp dẫn thường có nhiều chất béo và đường.
  • Ăn những phần lớn hơn bạn cần.
  • Uống quá nhiều đồ uống có đường. Ví dụ: nước ngọt, nước trái cây, và không thể không nhắc đến trà sữa.
  • Ăn “thả ga”. Trong nhiều bữa tiệc, nhậu nhẹt, bạn ăn hết sức hết mình. Nếu vài tuần một bữa thì không sao. Nhưng nhiều bữa trong một tuần thì bạn nên cân nhắc chế độ “ăn hết cỡ” này. Ăn vô tôi vạ khi cảm thấy chán nản, buồn bực cũng khiến bạn tăng cân. Vì đôi khi ăn thật nhiều, ăn mọi thứ khiến bản bạn cảm thấy tốt hơn.

Thói quen ăn uống không lành mạnh có xu hướng “lan truyền” trong gia đình. Bạn có thể học thói quen ăn uống xấu từ cha mẹ khi còn nhỏ. Và tiếp tục chúng đến tuổi trưởng thành. Và rồi tiếp tục truyền lại cho thế hệ cho con rồi cháu của bạn.

6.2 Thiếu hoạt động thể lực

Thiếu hoạt động thể chất là một yếu tố quan trọng khác liên quan đến béo phì. Nhiều người ưa thích công việc bàn giấy, ít phải đi lại. Khi buộc phải di chuyển, mọi người thích đi thang cuốn hoặc thang máy hơn là đi cầu thang bộ. Ra ngoài đường, ô tô, xe máy được lựa chọn nhiều hơn là đi bộ hoặc xe đạp.

Khi cần giải trí, mọi người thích xem ti vi, lướt web, chơi game trên điện thoại hoặc máy tính. Ít người tập thể dục hoặc vận động thể thao để giải tỏa căng thẳng.

Khi hoạt động không đủ, năng lượng nạp vào không thể giải thoát. Và cuối cùng là tích lũy lại trong cơ thể dưới dạng mỡ.

6.3 Một số loại thuốc, bệnh lý

Trong một số bệnh lý hay thuốc điều trị bệnh có thể góp phần tăng cân. Bao gồm:

  • Suy giáp: tuyến giáp là nơi sản xuất ra hóc-môn, góp phần chuyển hóa các chất. Khi tuyến giáp suy, cơ thể không thể biến đổi các chất, khiến chúng bị tích tụ làm tăng cân.
  • Hội chứng Cushing: cũng là một bệnh liên quan đến hóc-môn. Bệnh này khiến tích tụ mỡ nhiều ở vùng trung tâm như bụng, sau gáy.

  • Hội chứng Cushing: Bướu mỡ sau gáy và béo bụng.
  • Một số loại thuốc: corticosteroid, thuốc trị động kinh và tiểu đường, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần… có thể góp phần tăng cân.
  • Tăng cân đôi khi có thể là một tác dụng phụ của việc ngừng hút thuốc lá.

Tuy nhiên, nếu các bệnh lý này có thể được điều trị phù hợp, quá cân có thể khác phục được. Giống như vậy, khi ngừng các thuốc gây tăng cân, bạn có thể giảm cân dễ dàng hơn. Điều quan trọng, bạn nên nói với bác sĩ tác dụng phụ này. Khi đó bác sĩ sẽ cân nhắc tình trạng bệnh. Và có thể đổi qua một loại thuốc khác với hiệu quả tương đương nhưng an toàn hơn.

7. Tôi có thể cải thiện sức khỏe của mình bằng cách giảm đi số cân bị dư?

Đúng. Các chuyên gia đồng ý rằng ngay cả việc giảm cân dù ít nhưng cũng có thể có ích. Nó giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tiểu đường, bệnh tim và tăng huyết áp. Bạn càng gần trọng lượng bình thường, lợi ích sức khỏe càng lớn.

8. Tôi nên làm gì nếu bị thừa cân hoặc béo phì?

Nghiên cứu mới cho thấy để thành công một chương trình giảm cân nên bao gồm ba thành phần: chế độ ăn uống, tập thể dục và điều chỉnh hành vi.

8.1 Chế độ ăn

Không có một quy tắc nào được áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng để giảm cân ở mức an toàn thì giảm từ 0,5 đến 1kg mỗi tuần là tốt nhất.

Để đạt được điều này bạn nên cắt giảm năng lượng nhập vào. Một chế độ ăn lành mạnh sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng với một mức năng lượng phù hợp. Bao gồm:

  • Nhiều trái cây và rau quả
  • Đa dạng thực phẩm giàu tinh bột. Khoai tây, bánh mì, gạo, mì ống và lý tưởng nhất là nên chọn các loại nguyên hạt.
  • Một số thịt, cá, trứng, sữa, đậu…
  • Chỉ một lượng nhỏ thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo và đường.
  • Cố gắng tránh các thực phẩm chứa hàm lượng muối cao. Vì chúng có thể làm tăng huyết áp, có thể gây nguy hiểm cho những người đã béo phì.

8.2 Chương trình ăn kiêng

Bạn nên tránh một chế độ ăn kiêng được khuyến cáo là không an toàn. Chẳng hạn như nhịn ăn trong một thời gian dài hoặc cắt bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm. Những loại chế độ ăn kiêng này không hiệu quả. Chúng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và không duy trì được lâu dài.

Một chương trình ăn kiêng có trách nhiệm nên:

  • Giáo dục các vấn đề như kích thước phần ăn, thay đổi hành vi và ăn uống lành mạnh.
  • Không quá hạn chế về loại thực phẩm bạn có thể ăn
  • Dựa trên đạt được giảm cân từ từ, bền vững thay vì giảm cân nhanh chóng trong thời gian ngắn.

8.3 Hoạt động thể lực

Giảm lượng calo trong chế độ ăn uống sẽ giúp bạn giảm cân. Nhưng duy trì cân nặng khỏe mạnh đòi hỏi phải hoạt động thể chất để đốt cháy năng lượng. Hơn thế nữa, tập luyện khiến sức khỏe bạn tốt hơn.

Bạn nên tận dụng tối đa thời gian di chuyển. Hãy đứng dậy, đi lại xung quanh thay vì nằm hoặc ngồi một chỗ.

Nếu bạn không phải người đam mê vận động, thì cũng nên chịu khó thực hiện vận động tối thiểu. Nhiều tổ chức y tế trên thế giới khuyến cáo nên thực hiện ít nhất 30 phút/ngày, tối thiểu 5 ngày/tuần. Bất kì hoạt động nào làm tăng nhịp tim và nhịp thở đều được. Đó có thể là đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ hoặc bất kì môn thể thao nào bạn thích.

Nếu bạn béo phì và đang giảm cân, điều chắc chắn là bạn cần tập thể dục nhiều hơn nữa. Các bài tập có thể tăng từ từ về thời gian tập cũng như cường độ các bài tập.

8.4 Một số biện pháp khác

Kết hợp giữa chế độ ăn và tập luyện là tốt. Sẽ tốt hơn nữa nếu phối hợp thêm các biện pháp dưới đây:

  • Đặt mục tiêu giảm cân phù hợp với thực tế. Nếu bạn béo phì, mất 3% trọng lượng cơ thể ban đầu có thể giảm đáng kể nguy cơ các bệnh lý liên quan béo phì.
  • Ăn chậm hơn và chú ý đến những gì đang ăn. Không vừa ăn vừa coi ti vi, điện thoại.

  • Tránh những tình huống mà bạn biết bạn có thể bị cám dỗ ăn quá nhiều
  • Gia đình và bạn bè của bạn có thể hỗ trợ thúc đẩy bạn giảm cân.
  • Theo dõi tiến trình của bạn. Ví dụ, cân nhắc bản thân thường xuyên và ghi lại cân nặng của bạn vào nhật ký.
  • Nhận liệu pháp nhận thức hành vi từ một chuyên gia hỗ trợ tâm lý có thể giúp bạn thay đổi cách nghĩ về thực phẩm và ăn uống.
  • Nếu bạn không thể giảm cân bằng những biện pháp trên, thuốc giảm cân hoặc phẫu thuật đường tiêu hóa có thể được lựa chọn.

Bạn nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chọn lựa một chương trình giảm cân phù hợp nhất với mình.

Như vậy, béo phì là một rối loạn do chính lối sống của mỗi người gây nên. Thay đổi để hướng đến một cuộc sống cân bằng hơn, lành mạnh hơn. Quan trọng là khi không còn dư cân, béo phì, sức khỏe bạn tốt hơn, bạn tự tin hơn. Và cuối cùng là bạn hạnh phúc hơn.

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương

 

Sản Phẩm Liên Quan