Vì sao béo phì gây ra bệnh đái tháo đường typ 2
Những người mắc bệnh béo phì là đối tượng dễ bị mắc hội chứng chuyển hóa (béo trung tâm, rối loạn dung nạp glucose, kháng insulin, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp). Khi lao động thể lực giảm xuống, tình trạng thừa mỡ, thừa năng lượng tăng lên thì tình trạng béo phì ĐTĐ typ 2 cũng tăng lên. Trong thực tế, nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng giảm cân cải thiện tình trạng tăng nhạy cảm của insulin và ngược lại. Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy những biến chứng của béo phì như ĐTĐ là kết quả của chuyển hóa bất thường, là sự dư thừa các acid béo tự do, các triglyceride trong các tế bào không phải tế bào mỡ. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng các tế bào beta của – đảo tụy khi bị tích lũy quá nhiều mỡ sẽ bị nhiễm độc mỡ. Chính nhiễm độc lipid là nguyên nhân gây chết tế bào và gây ra giai đoạn tiền lâm sàng của người mắc bệnh ĐTĐ typ 2.
Trong bệnh béo phì, quá trình tích lũy mỡ xảy ra trong một thời gian dài, do đó sự suy giảm khả năng tự bảo vệ chống lại quá trình nhiễm mỡ có thể xảy ra ở một số thời điểm và triglyceride dần được tích lũy lại. Người ta thấy ở người béo phì, ĐTĐ thường xuất hiện sau khi 50-70% tế bào tiểu đảo bị tổn thương, trong khi thử nghiệm bằng cách cắt bỏ tụy thì phải trên 90% lượng tế bào tiểu đảo bị cắt bỏ, bệnh ĐTĐ mới xuất hiện.
ĐTĐ typ 2 có rất nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó béo phì là một trong những yếu tố đó. Điều tra dịch tễ học ĐTĐ quốc gia của Việt Nam cho thấy khi chỉ số BMI là 22,6kg/m3 đã có liên quan chặt chẽ với người mắc bệnh ĐTĐ. Khi mắc bệnh béo phì, sẽ sản sinh ra chất đề kháng insulin.
Insulin là một hormon do các tế bào đảo tụy tiết ra và có vai trò kiểm soát lượng đường máu trong cơ thể. Sau khi ăn, một lượng đường khá lớn được hấp thu vào trong máu. Nhờ có insulin đường mới đi vào tế bào, được cơ thể sử dụng và lượng đường này được giữ ở mức an toàn, vừa đủ cho cơ thể sử dụng.
Với người béo phì, thời kỳ đầu mới phát béo, chức năng sản xuất insulin còn bình thường nhưng dần dần do sự đề kháng insulin tăng lên làm hiệu quả hoạt động của chất này giảm sút. Để khắc phục hiện tượng này, tuyến tụy phải hoạt động quá sức dẫn đến chức năng sản sinh ra insulin ở tụy giảm dần, lúc này insulin trong cơ thể sẽ không đủ để duy trì việc chuyển hóa đường trong máu ở mức bình thường nữa. Do vậy ĐTĐ xuất hiện.
Liên quan đến ung thư như thế nào?
Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, mà theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR), béo phì có thể làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh ung thư ở các vùng như cuống họng, tụy, đại trực tràng, nội mạc tử cung, vùng ngực sau mãn kinh, thận… Bên cạnh đó, béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư máu ác tính.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, ung thư có liên quan tới khả năng miễn dịch của cơ thể. Khi chức năng miễn dịch suy giảm thì cơ thể dễ bị tế bào ung thư tấn công. Trong một cơ thể khỏe mạnh, chỉ cần có tế bào ung thư xuất hiện thì màng tế bào lập tức sinh ra kháng nguyên đặc biệt, còn tế bào miễn dịch trong cơ thể sẽ diệt các tế bào có kháng nguyên ung thư này. Khi chức năng miễn dịch của tế bào giảm, khả năng tự bảo vệ của cơ thể yếu thì tế bào ung thư sẽ sinh sôi.
Phần lớn người béo phì đều mắc chứng cholesterol trong máu cao và insulin trong máu cao, khiến lượng cholesterol trong tế bào miễn dịch tăng cao, làm giảm khả năng diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch trong cơ thể. Mặt khác insulin có khả năng ức chế tế bào miễn dịch, lại có tác dụng thúc đẩy tăng sinh tế bào. Nếu trong cơ thể có tế bào xuất hiện biến chứng ung thư thì nó sẽ thúc đẩy tăng sinh tế bào ung thư.
Thêm vào đó, khi mỡ trong máu cao khiến khả năng đông máu tăng làm giảm hoạt tính phân giải albumin sợi, từ đó dễ dẫn đến hình thành cổ ung thư trong mạch máu. Tế bào ung thư trong ổ ung thư không những khó bị tiêu diệt bởi tế bào miễn dịch trong máu mà ngược lại dễ dẫn theo máu chạy khắp cơ thể. Đây chính là nguyên nhân di căn tế bào ung thư.
Một cuộc khảo sát nghiên cứu do Trung tâm Ung thư M.D. Anderson ở Houston (Mỹ) tiến hành cho thấy những phụ nữ thừa cân có nguy cơ bị ung thư màng tử cung cao gấp 4 lần so với người bình thường và tỷ lệ này ở những phụ nữ bị béo phì là gấp 6 lần. Ngoài ra, những phụ nữ mắc bệnh béo phì cũng dễ bị ung thư vú và đại tràng.
Theo cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC), hiện có đầy đủ bằng chứng khoa học để kết luận rằng việc tránh tăng cân có thể mang lại hiệu quả phòng ngừa các loại ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung, thận, cổ họng. Đối với ung thư vú sau mãn kinh thì vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học để có thể kết luận rằng tránh tăng cân giúp phòng ngừa loại ung thư này. Trong khi một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng phụ nữ có chỉ số BMI từ 27 – 28 trở lên có nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh tăng từ 10 % đến 60 %.
Nguyên nhân chính gây ra thừa cân và béo phì là do sự mất cân đối giữa lượng calo nạp vào và lượng calo tiêu thụ, chẳng hạn như do ăn nhiều thức ăn có năng lượng và hàm lượng chất béo cao hoặc do tính chất công việc đòi hỏi phải ngồi một chỗ, ít vận động.
Để phòng ngừa ung thư liên quan đến béo phì, một trong những yếu tố quan trọng nhất là giữ được trọng lượng cơ thể hợp lý trong suốt cuộc đời thông qua các hoạt động thể chất một cách thường xuyên. Bên cạnh đó, việc hạn chế uống rượu và ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc từ động vật cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ ung thư do béo phì.
PGS. TS. Tạ Văn Bình