1. NGUYÊN NHÂN
****************
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi. Tiểu đường thai nghén hay xảy ra ở phụ nữ béo phì, hoặc người đã chững tuổi mang thai.
Do mức sống tăng, chất lượng cuộc sống được cải thiện, nên chế độ dinh dưỡng của các bà mẹ mang thai cũng được cải thiện rất nhiều, lối ăn uống, nghỉ ngơi thiếu khoa học làm gia tăng bệnh.
Ngoài ra, với người đã bị tiểu đường trước lúc có thai thì bệnh dễ bị nặng thêm. Tình trạng hạ đường huyết dễ xảy ra ngay từ những tháng thai nghén đầu tiên do tình trạng thai nghén: ăn uống kém, nôn mửa, nhất là đối với những người đang điều trị bằng insulin.
Khi chuyển dạ, do ăn uống kém, các cơ tử cung và cơ bắp của cơ thể lại vận động nhiều, tiêu tốn nhiều năng lượng thì nguy cơ hạ đường huyết rất cao.
Những mẹ sinh con có cân nặng từ 4kg trở lên thì có nguy cơ mẹ sẽ bị tiểu đường sau này. Thai tuy to, nhưng lại kém về chức năng và phát triển sau khi sinh, đặc biệt là phát triển về trí tuệ và tinh thần.
Do vậy, mọi phụ nữ mang thai nên kiểm tra để phát hiện tiểu đường trong tháng thứ 6 của thai kỳ (tuần thứ 24-28). Các thống kê cho thấy, có khoảng 2-5% thai phụ bị tiểu đường thời kỳ thai nghén. Tiểu đường thai nghén hay xảy ra ở phụ nữ béo phì, hoặc “cứng” tuổi. Khoảng 35-50% bệnh nhân tiểu đường thời kỳ thai nghén về sau sẽ mắc tiểu đường type 2. Duy trì chế độ ăn uống phù hợp, tập thể dục và giảm trọng lượng cơ thể có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
2. ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG ĐỐI VỚI THAI NGHÉN
******************************************************
Khi người bị bệnh tiểu đường có thai hoặc khi người có thai bị tiểu đường, bệnh đều có ảnh hưởng xấu đến mẹ và con.
– Đối với bà mẹ, nếu mẹ bị tiểu đường kèm theo thai nghén sẽ dễ dẫn đến bị nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật và sản giật), bà mẹ cũng dễ bị nhiễm trùng nặng, có tỷ lệ sinh phải can thiệp nhiều hơn (mổ sinh, chịu các thủ thuật do sinh khó); sau khi sinh, tình trạng tiểu đường có thể trầm trọng hơn. Với những người trước đó không bị tiểu đường, nhưng bị tiểu đường khi thai nghén, thì có khoảng 5-20% sau khi sinh vẫn tiếp tục bị bệnh.
bệnh tiểu đường ở bà mẹ mang thai
Mắc bệnh tiểu đường khi mang thai khiến trẻ sinh ra bị béo phì
– Đối với thai nhi, thai nhi của các bà mẹ này có tỷ lệ tử vong chu sinh cao. Thai có thể bị dị tật. Sơ sinh khi sinh ra cũng dễ bị tiểu đường. Tâm thần kinh của trẻ thường chậm phát triển. Sự trưởng thành về phổi của thai trong dạ con bà mẹ bị tiểu đường thường chậm hơn so với thai nhi của các bà mẹ không bị bệnh. Do vậy, nếu những trẻ này sinh non thì dễ bị suy hô hấp. Con của các bà mẹ bị tiểu đường thường có cân nặng lớn hơn, to con hơn và to cả các bộ phận nội tạng trừ não (cân nặng thường từ 4kg trở lên), vì thế thường gây đẻ khó, có tỷ lệ mổ cao, nếu đẻ đường tự nhiên cũng dễ bị sang chấn. Thai tuy to, nhưng lại kém về chức năng và phát triển sau khi sinh, đặc biệt là phát triển về trí tuệ và tinh thần.
3. NHỮNG BÀ MẸ MẮC TIỂU ĐƯỜNG HOẶC CÓ NGUY CƠ MẮC TIỂU ĐƯỜNG CẦN LƯU Ý KHI MANG THAI:
**************************************************************************************
– Đối với những phụ nữ có nguy cơ mắc tiểu đường cao:
Nên đi khám bác sĩ ngay từ trước khi mang thai và nếu có mang thai thì cần làm xét nghiệm đường huyết trong giai đoạn sớm (ba tháng đầu) của thai kỳ. Nếu kết quả bình thường thì sẽ được thực hiện tiếp xét nghiệm sàng lọc tình trạng bất dung nạp đường trong thai kỳ vào khoảng tuần thứ 24-28. Bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm dung nạp đường glucose qua hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, theo Hội những nhà sản phụ khoa Mỹ, nên thực hiện XÉT NGHIỆM DUNG NẠP GLUCOSE cho tất cả các phụ nữ có thai vì tới khoảng 50% phụ nữ bị tiểu đường trong thai kỳ dù họ không thuộc nhóm có nguy cơ cao. Xét nghiệm sàng lọc này được thực hiện bằng cách cho thai phụ uống 50gr đường và đo lượng đường huyết trong máu một giờ sau đó. Xét nghiệm này có thể thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày và không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên, độ nhạy cảm của xét nghiệm tốt hơn khi thai phụ ở trong tình trạng đói. Nếu kết quả bất thường: >140 mg/dl, thì thai phụ ấy có nguy cơ bị bệnh tiểu đường trong thai kỳ.
Ðể chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ sẽ cho tiếp tục xét nghiệm dung nạp 100gr đường trong ba giờ.
– Đối với những phụ nữ đã mắc tiểu đường trước khi mang thai:
Thai phụ cần thực hiện chế độ ăn uống theo sự hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Cần được theo dõi chặt chẽ lượng đường huyết và điều chỉnh liều thuốc. Ngoài ra, cần thực hiện các xét nghiệm khác để đánh giá sức khoẻ của thai nhi, siêu âm máu để theo dõi những thay đổi hệ thống mạch máu có thể làm tổn hại đến thai nhi.
Như vậy, những bà mẹ bị tiểu đường cần được theo dõi và chăm sóc chu đáo ở cả hai phía: các thầy thuốc sản khoa và các thầy thuốc chuyên khoa nội tim mạch điều trị bệnh tiểu đường. Mọi thứ thuốc men và chế độ ăn uống trong giai đoạn thai nghén này cần theo đúng chỉ dẫn của các thầy thuốc chuyên khoa. Có như thế mới tránh được các rủi ro, tai biến cho cả mẹ và con.