Đây là một trong những câu hỏi thường gặp nhất. Không có bằng chứng rõ ràng liên quan trực tiếp đường làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng vẫn có một liên quan gián tiếp, đó là ăn đường dẫn đến dư cân hay béo phì làm tăng nguy cơ một số loại ung thư.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hòa (chuyên khoa ung thư) cho biết, theo Viện nghiên cứu ung thư Mỹ (AICR), tất cả các tế bào trong cơ thể chúng ta – bao gồm cả tế bào ung thư – đều cần đường (glucose) từ máu của chúng ta để làm nhiên liệu. Glucose là nhiên liệu chính cho cơ thể và bộ não của chúng ta.
Đường trong máu lấy từ thực phẩm có chứa carbohydrate, bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo. Khi không có đủ carbohydrate trong chế độ ăn, một số glucose thậm chí còn được cơ thể sản xuất từ thực phẩm chứa protein (chất đạm) thông qua một quá trình đặc biệt, gọi là tân tạo đường.
Thực phẩm tinh chế cao và thực phẩm bổ sung đường, chẳng hạn như đồ uống có đường và đồ ngọt, thì cũng ít chất xơ và ít chất dinh dưỡng. Những thực phẩm này cũng làm tăng đề kháng insulin, và điều này có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, thừa cân và béo phì.
Đa số người ta tin rằng đường trắng trong chế độ ăn uống bằng cách nào đó đã nuôi ung thư, nhưng sự thật phức tạp hơn. Mối liên hệ giữa đường và ung thư là gián tiếp. Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường có nghĩa là nhiều calo trong chế độ ăn uống hơn lượng cơ thể cần, điều này dẫn đến dư cân và béo phì. Chất béo dư thừa có liên quan thuyết phục đến nguy cơ mắc một số loại ung thư.
“Đó là lý do tại sao Viện nghiên cứu ung thư Mỹ (AICR) khuyên chúng ta nên có một chế độ ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng và làm đầy bụng, chẳng hạn như ngũ cốc, rau, trái cây và đậu và thay thế đồ uống có đường bằng đồ uống ít calo hoặc không calo”, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hòa nói.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hòa chỉ ra một số chiến lược giúp chúng ta ăn ít đường bao gồm: dùng soda có hương vị thay cho đường, lựa chọn trà không đường, dùng thêm trái cây nhiều màu sắc như dưa và cam quýt hay chanh vào nước uống, thêm quế hoặc ca cao vào cà phê thay cho đường, mang theo thức ăn nhẹ lành mạnh như các loại hạt, trái cây tươi hoặc khô hoặc bánh quy ngũ cốc nguyên hạt và phô mai thay vì thức ăn nhẹ có đường.
Khánh Hồng