Theo thống kê cứ 7 phụ nữ mang thai lại có 1 người gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ, tiểu đường thai kỳ còn gây nguy hại đến sự phát triển của thai nhi. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là biện pháp hữu hiệu nhất giúp kiểm soát tình trạng này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về tiểu đường thai kỳ.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ (hay tiểu đường thai kỳ) “là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ:
- Thừa cân, béo phì.
- Tiền sử gia đình: có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất.
- Tiền sử sinh con ≥ 4000g.
- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính.
- Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, ≥ 35 tuổi là yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ.
- Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sanh non, thai dị tật.
- Chủng tộc: châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
Bệnh tiểu đường thai kỳ chiếm từ 3-7% tổng số phụ nữ mang thai, có nhiều nguy cơ cho người mẹ và thai nhi nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách.