Không nên ăn nhiều đường. Việc dư thừa chất đường là nguyên nhân chính dẫn đến béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và rất nhiều bệnh khác.
Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng.
Tuy nhiên, năng lượng được cung cấp phải tương ứng với hoạt động của cơ thể. Khi dư thừa, một phần glucid sẽ được dự trữ trong các bắp thịt và gan, phần khác sẽ được chuyển thành axit béo hoặc triglycerit làm gia tăng lượng mỡ trong cơ thể.
Do đó, ăn thừa chất đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch. Hầu hết các chế độ dinh dưỡng đều khuyến cáo không nên ăn nhiều đường.
Rối loạn chuyển hoá và suy dinh dưỡng
Những loại carbohydrat phức hợp chứa nhiều chất xơ có tác dụng đốt mỡ và điều hoà việc hấp thu đường.
Ngoài ra, những loại thức ăn này còn chứa nhiều loại vitamin, chất khoáng và những chất chống oxy hoá cần thiết cho nhu cầu biến dưỡng, cho sự chuyển hoá các chất, kể cả chất đường.
Ngược lại, thức ăn ngọt chỉ cung cấp những calori rỗng. Lượng đường này bắt buộc cơ thể phải huy động những vitamin và khoáng chất có sẵn từ những tế bào và cơ quan trong cơ thể đáp ứng nhu cầu chuyển hoá chính nó, nhất là nhóm vitamin B và khoáng chất canxi.
Lâu dài dẫn đến sự thiếu hụt những vi chất dinh dưỡng này, có thể gây ra loãng xương, hư răng hoặc một số bệnh tật khác.
Ngoài ra, sự hiện diện của chất đường có khuynh hướng ngăn chặn việc tiết ra các dịch tiêu hoá và cản trở hoạt động tự nhiên của dạ dày khiến thức ăn dễ lên men trong điều kiện ấm và ẩm của dạ dày.
Tương tự, một số người bèo phì do ăn đồ ngọt hoặc ăn nhiều thực phẩm tinh chế cũng có thể là những người suy dinh dưỡng. Mặc dù hay ăn, ăn nhiều nhưng những calori rỗng không những không cung cấp đủ những chất dinh dưỡng cần thiết mà còn rút kiệt những vi chất này từ những cơ quan, tế bào của cơ thể!
Rối loạn nội tiết
Mới đây, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Canada được công bố trên tạp chí Clinical Investigation, ăn nhiều đường có thể làm rối loạn nội tiết tố sinh dục ở cả nam cũng như nữ. Hậu quả này xảy ra là do nồng độ đường Fructoza hoặc Glucoza cao trong máu đã làm vô hiệu hoá một loại protein tên là SHBG (sex hormone binding globulin) có tác dụng điều hoà việc xuất tiết 2 nội tiết tố Testosteron và Estrogene.
Điều này có thể dẫn đến các chứng nổi mụn, vô sinh, u xơ hoặc ung thư tử cung.
Suy giảm hệ miễn dịch
Những nghiên cứu về chất lượng đường cho biết lượng đường đưa vào cơ thể khi uống một chai nước ngọt cỡ 300ml đủ để ngăn chặn đáp ứng miễn dịch của những tế bào bạch cầu trong việc tiêu diệt vi trùng gây bệnh.
Sự suy giảm kháng nhiễm này rõ nhất khoảng 2 giờ sau khi ăn đường, và kéo dài đến khoảng 5 giờ sau đó. Thường ăn đồ ngọt còn làm gia tăng tính axít trong ống tiêu hoá tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi trùng độc hại sinh sôi nẩy nở, nhất là khoang miệng.
Ảnh hưởng xấu đến hành vi, tâm lý
Kinh nghiệm điều trị của Tiến sĩ Harvey Ross, một nhà tâm lý trị liệu ở LosAngeles, cũng cho thấy ăn nhiều đường là nguyên nhân duy nhất của căn bệnh này ở một số bệnh nhân của ông. Ăn ngọt có thể làm tăng vọt đường huyết tạo được cảm giác thoải mái do não là tổ chức nhạy cảm nhất với chất đường. Cảm giác này cũng chóng biến mất khi đường huyết hạ xuống.
Những dao động lên và xuống xảy ra thường xuyên dễ gây tình trạng “nghiện” chất ngọt, làm rối loạn hoạt động nội tiết, gia tăng những stress oxy hoá và ảnh hưởng xấu đến hành vi và tâm lý của con người.
Nói chung, bánh kẹo là loại thức ăn khoái khẩu. Chúng ta không nhất thiết phải từ bỏ nó. Tuy nhiên, việc “nghiện” những thức ăn ngọt có thể làm gia tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tim mạch, làm suy giảm sức đề kháng và rối loạn nhiều chức năng khác của cơ thể kể cả hoạt động trí não./.