Chế độ dinh dưỡng hợp lý với một thực đơn khoa học và lành mạnh là điều hết sức quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường. Duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt giúp nâng cao thể trạng, duy trì đường huyết ổn định và ngăn ngừa những biến chứng của bệnh
Theo các chuyên gia, tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa chất bột đường gây tăng đường huyết mạn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động insulin hoặc kết hợp cả hai. Do đó, người bệnh tiểu đường cần lựa chọn, cân đối chế độ ăn uống cũng như vận động hợp lý để có một cuộc sống khỏe mạnh. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để điều trị cũng như hỗ trợ các thuốc hạ đường huyết phát huy tác dụng, giúp bệnh nhân đạt được cân nặng lý tưởng.
Dưới đây là là một số gợi ý về việc lựa chọn thực đơn cho bệnh nhân tiểu đường
Thực phẩm giữ vị trí then chốt trong điều trị bệnh tiểu đường
1: Thế nào là khẩu phần ăn khoa học:
Theo chuyên gia dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vy – Nguyên trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện 198, Tiêu chí một khẩu phần ăn khoa học như sau:
– Đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng với tỷ lệ %P:%L:%G bằng 15-20%:≤25%:50-55%.
+ Chất xơ 20-25g/ngày
+ Đủ vitamin và khoáng chất
+ Hạn chế muối (Na<2000mg/ngày), phủ tạng động vật, chất kích thích
+ Hạn chế món chiên, xào, ngọt.
– Giữ đường huyết trong khoảng an toàn cho phép:
+ Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn, không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
+ Ăn điều độ, đúng giờ, không để đói quá hay no quá, không bỏ bữa.
+ Ăn 3 bữa chính, có từ 1-3 bữa phụ nếu khoảng cách giữa 2 bữa ăn quá xa và bữa phụ buổi tối.
+ Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Không ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết cao đơn độc, mà nên phối hợp với thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc rất thấp.
2: Phương pháp thiết kế đĩa thức ăn dành cho người tiểu đường:
Phương pháp đơn giản giúp thiết kế đĩa thức ăn phù hợp với các bệnh nhân tiểu đường. Với phương pháp này, thực đơn được xây dựng có tỉ lệ rau quả cao (chiếm 50%) và giảm tỉ lệ các loại thực phẩm chứa tinh bột và chất đạm (25% cho mỗi loại). Nhờ đó, cân bằng các bữa ăn theo sở thích của bệnh nhân mà vẫn kiểm soát tốt đường huyết.
Bảy bước để thiết kế một đĩa thức ăn tiêu chuẩn:
- Khi dùng bữa, sử dụng một đĩa ăn có đường kính khoảng 23cm, vẽ 1 đường thẳng giữa đĩa. Sau đó, tiếp tục chia đôi một bên (Hình minh họa phía dưới).
- Cho rau quả không chứa tinh bột vào phần lớn nhất trên đĩa (1/2): cà rốt, bắp cải, cà tím, bông cải xanh, cà chua, rau chân vịt, ớt chuông…
- Sau đó, cho ngũ cốc và thực phẩm giàu đường bột vào một phần nhỏ trên đĩa (1/4): bắp, đậu xanh, bí đỏ, khoai lang, cơm, gạo lức, mì ống, bánh mì…
- Và ở trong phần đĩa còn lại (1/4)), bạn cho thực phẩm giàu chất đạm: các loại đậu, thịt, cá, hải sản, trứng, phô mai…
Đĩa thức ăn được thiết kế dành cho người bị tiểu đường. A – 50% Rau quả. B – 25% Tinh bột. C – 25% Đạm.
3: Thực đơn gợi ý cho người tiểu đường:
– Cơm,
– Tôm đồng rang
– Thịt bò xào hành tây
– Rau muống xào tỏi
– Nước canh rau luộc
Thực đơn | Khối lượng |
Cơm 2 lưng bát (4ĐV) | 100g |
Tôm đồng rang (1,5ĐV) | 40g |
Thịt bò xào hành tây (1ĐV) | 35g |
Rau muống xào tỏi | ½ đĩa |
4: Nguyên tắc thay thế thực phẩm:
– Chỉ thay thế thực phẩm trong cùng một nhóm với nhau
Ví dụ: – Thay thế cơm bằng bún, phở,…
– Thay thế thịt bằng tôm, cua, cá,…
– Không thay thế các loại thực phẩm không cùng nhóm
Ví dụ: Không thay thế cơm bằng thịt hay trái cây