Bệnh tiểu đường (còn gọi là Đái tháo đường), được mô tả từ thời Cổ đại Ai Cập, cách đây hơn 3.500 năm; trong nhiều thập kỷ qua, bệnh tiểu đường thường được chẩn đoán dựa trên mức Glucoza huyết (đường máu) khi đói hoặc Glucoza huyết 2 giờ sau uống 75g glucoza (nghiệm pháp Glucoza),…
Trong vài chục năm trở lại đây, tiểu đường đang là một trong mười nguyên nhân chính gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới; theo thống kê của Liên đoàn Tiểu đường thế giới, tiểu đường đã cướp đi mạng sống của 4,6 triệu người mỗi năm; nếu tính trung bình thì cứ 7 giây, trên thế giới lại có một người chết vì căn bệnh này; ngoài ra, bệnh tiểu đường còn để lại gánh nặng đối với bản thân người bệnh và cho xã hội trên nhiều phương diện (cả về mặt vật chất lẫn tinh thần); PGS.TS Tạ Văn Bình- Chủ tịch Hội Người giáo dục bệnh tiểu đường Việt Nam, đã phát biểu: “Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ bệnh tiểu đường lớn nhất thế giới, nhưng bệnh tiểu đường ở Việt Nam phát triển nhanh nhất thế giới”. Một thực tế cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường ở nước ta đang có xu hướng trẻ hóa, thường ở độ tuổi từ 30-65, cá biệt có bệnh nhân tiểu đường dưới 10 tuổi.
Tiểu đường được coi là một căn bệnh “giết người thầm lặng”, gây tỉ lệ tử vong cao như ung thư hay HIV; những nguy hiểm mà tiểu đường gây ra cho người bệnh không thể hiện rõ ràng và ngay lập tức mà mang tính chất “âm ỉ”, đến khi thấy rõ triệu chứng thì đã quá muộn. Bệnh tiểu đường, là một nhóm bệnh chuyển hoá đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do hậu quả của thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối (insulin được sản sinh từ tế bào bêta “ß” của Tụy tạng, có chức năng vận chuyển đường máu đến các tế bào đích: tế bào cơ, xương, não,…); tình trạng tăng đường huyết lâu dài sẽ gây ra nhiều rối loạn chức năng ở các cơ quan, đặc biệt là các mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Dù tiểu đường là một căn bệnh được xếp vào hàng nguy hiểm, nhưng nhiều người bệnh lại rất thờ ơ, thậm chí còn coi thường căn bệnh này; một minh chứng cho vấn đề này là: “2/3 số người mắc bệnh tiểu đường, không biết mình mắc bệnh”.
Hiện nay, với nền y học hiện đại, dù tiểu đường vẫn “chưa thể chữa khỏi hoàn toàn” nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể làm giảm rất nhiều những biến chứng đáng tiếc cho người bệnh và giúp họ có cuộc sống thoải mái hơn khi “sống chung” với căn bệnh này, những dấu hiệu sau là những triệu chứng sớm của tiểu đường mà mọi người cần lưu ý: Khát nước và đi tiểu nhiều lần trong ngày (nếu đổ ra lon theo dõi, thì “Kiến” sẽ tập trung nhiều); thường có cảm giác đói cồn cào; giảm thị lực; giảm cân nhanh; mệt mỏi, đau đầu; vết thương ở chân, tay lâu lành; khi ấy, các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường nên được lập lại để xác định chẩn đoán, trừ trường hợp đã quá rõ khi có những triệu chứng tăng đường huyết kinh điển.
Thông thường, những hậu quả khủng khiếp nhất mà người bị tiểu đường gặp phải đến trực tiếp từ những biến chứng nguy hiểm mà căn bệnh này gây ra; tổn thương thần kinh ngoại vi là biến chứng thường thấy nhất ở bệnh nhân tiểu đường, trong đó biểu hiện ở chân là nghiêm trọng hơn cả, như: khô da, nứt nẻ, chai chân, lở loét, sưng phù và điều trị lâu khỏi,… dễ dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử; các bệnh về mắt như giảm thị lực, đục thủy tinh thể, quáng gà, mù lòa,… cũng là các biến chứng thường gặp (do lượng đường huyết trong mạch máu cao, làm những mạch máu nhỏ tại võng mạc mắt bị nghẽn); riêng những người cao tuổi mắc tiểu đường thường có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, mỡ máu và đột quỵ, rất dễ gây tử vong; bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng và có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ bộ phận nào, điển hình như: răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiểu, bàng quang, thận,.. một hậu quả nghiêm trọng phổ biến ở các bệnh nhân tiểu đường là phải tháo khớp chi dưới (còn gọi là hiện tượng Đoản chi do hoại tử) để bảo toàn tính mạng…
(BS Nguyễn Văn Mau, 09/01/2014