Thiếu hụt đường huyết trầm trọng có thể dẫn đến hôn mê, nếu tình trạng này không được bù đắp glucose kịp thời, nhất là hạ đường huyết nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhịn ăn quá mức là một nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết
Nếu xảy ra trên người đái tháo đường: đây thường là những trường hợp người bệnh mắc sai lầm trong điều trị, họ dùng thuốc hạ đường huyết quá nhiều, đó là insulin hay sulfamid. Hoặc là giai đoạn đầu của đái tháo đường, đường huyết chưa ổn định. Đặc biệt nếu người bệnh đái tháo đường nhịn ăn quá mức, hoạt động thể lực nhiều, có kèm theo bệnh suy thận, bệnh tim mạch (dùng thuốc chẹn bêta và giãn mạch vành). Càng nguy hiểm hơn nếu có bệnh dạ dày, bệnh nội tiết.
Hôn mê hạ đường huyết cũng có thể xảy ra ở người không bị đái tháo đường do những nguyên nhân sau: Cơ thể tiết ra nhiều insulin (do tăng sản, u tế bào bêta đảo langergans) hoặc quá trình xuất hiện u ngoài tụy tạng. Những người nhịn ăn, suy dinh dưỡng, những người nghiện rượu… bệnh cũng xuất hiện ở những người có bệnh nội tiết như bệnh ở tuyến thượng thận hay mắc bệnh cơ năng, có sự bất thường về chuyển hoá… Thậm chí có những người bị hôn mê hạ đường huyết do lạm dụng insulin để tự tử.
Trước khi có dấu hiệu hôn mê người bệnh thường có những biểu hiện sau:
Về tiêu hoá, bệnh nhân thấy đói cồn cào, xót ruột, đau bụng…
Đối với tim mạch xuất hiện những cơn đau thắt ngực, có các dấu hiệu vận mạch. Toàn thân người bệnh vã mồ hôi, xuất hiện cảm giác mệt mỏi.
Đặc biệt là về tinh thần kinh, người bệnh thấy cơ thể bạc nhược, giảm hoạt động trí tuệ, lú lẫn, thay đổi tính tình, dễ bị kích động, xuất hiện hiện tượng dị cảm, nhìn một hóa hai, có các động tác bất thường, thậm chí có rối loạn giấc ngủ.